Xu hướng kiến trúc 2021 qua những gương mặt KTS nổi bật năm 2020: Hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội

Những thách thức và cơ hội trong năm 2020 đã tạo ra thay đổi trong cách tiếp cận thiết kế kiến trúc, cũng như phương thức hành nghề của giới KTS, hứa hẹn nhiều bất ngờ và thú vị về xu hướng kiến trúc trong năm 2021. Từ những thay đổi này, Tạp chí Kiến trúc đã thực hiện diễn đàn trao đổi với những gương mặt KTS nổi bật trong năm qua. Hy vọng, với góc nhìn chân thực, khách quan, diễn đàn sẽ gợi ra bức tranh khái quát về kiến trúc trong năm 2021.

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc!

Năm 2020 từ góc nhìn của các Kiến trúc sư

KTS Hoàng Thúc Hào: Nhìn tổng quan, năm vừa qua, kiến trúc có sự đột phá, với việc ra đời Luật Kiến trúc, kèm theo là xây dựng các nghị định, thông tư, quy tắc ứng xử về hành nghề kiến trúc. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn dịch bệnh, thiên tai nhưng đây cũng là năm nhiều hoạt động khuyến khích phát triển kiến trúc vùng miền, kiến trúc nông thôn, hướng đến một nền kiến trúc đậm bản sắc. Dấu ấn hành nghề ngày càng rõ nét, nhiều công ty, văn phòng dần khẳng định con đường riêng, nắm bắt tốt các xu hướng kiến trúc tiên tiến trên thế giới, trong đó có kiến trúc xanh, bền vững. Thiết kế chuyên sâu vào từng lĩnh vực như du lịch, dịch vụ, khách sạn, công đồng với tổ chức không gian, tạo hình phong phú, đa dạng, đặc biệt ở mảng nhà ở và công cộng quy mô trung bình thực hiện rất tốt, gần như không có khoảng cách với kiến trúc thế giới, bằng chứng là chúng ta đã nhận không ít giải thưởng quốc tế danh giá.

KTS Nguyễn Văn Thu: Năm 2020 là một năm khó khăn đối với giới hành nghề, nhất là đối với những KTS hoạt động trong lĩnh vực thiết kế công trình thương mại, dịch vụ. Số lượng các dự án, công trình chững lại do nền kinh tế chung suy giảm, nhiều khách hàng, doanh nghiệp ngại đầu tư. Tuy nhiên, giới KTS vẫn có những hoạt động, sự kiện, giải thưởng, cuộc thi lớn được diễn ra. Các KTS luôn tích cực đóng góp cho việc phát triển kiến trúc và đổi mới sáng tạo. Năm 2020 cũng tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của kiến trúc trong đời sống, giúp các hoạt động của con người trở nên gắn kết trực tiếp đến những gì liên quan đến hiện tại, ý thức về thực tại và tìm phương cách sống để cân bằng, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ số, đưa Việt Nam đi nhanh hơn trên con đường hội nhập cách mạng 4.0.

KTS Phạm Trung Hiếu: Đối với việc đào tạo kiến trúc, năm vừa qua, công tác giảng dạy đã có sự gắn kết, vận dụng lý thuyết vào các công trình thực tế nhằm cống hiến cho xã hội. Kinh tế và công nghệ phát triển tạo điều kiện để các ý tưởng đột phá có thể hiện thực hóa. Công nghệ thông tin đã giúp rút ngắn một số giai đoạn của quá trình học tập. Điều này thể hiện rất rõ trong năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, các trường học trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, công nghệ đã giúp sinh viên được tiếp cận tri thức từ xa, với các phương tiện học tập online ngày càng tiện ích. Đối với các bạn sinh viên có ý chí và năng lực thì hoàn toàn có thể vừa học vừa tham gia vào quá trình sáng tạo và thiết kế để có thể đóng góp cho xã hội ngay từ trên ghế giảng đường. Các công trình cấp thiết như Bệnh viện Dã chiến, Nhà cộng đồng người Chứt… đã được các bạn nhiệt tình tham gia và mang lại kết quả tốt, tạo hiệu ứng tích cực cho bản thân và cộng đồng. Trong ngành kiến trúc, quan điểm của giới KTS trẻ đã được nhiều sự quan tâm, nó thể hiện sự tươi mới không định kiến, thể hiện góc nhìn hướng tới sự phát triển có tính dự báo.

Covid 19 với hành nghề kiến trúc – Vừa là thách thức vừa tạo ra cơ hội

KTS Đàm Huỳnh Quốc Vũ: Covid-19, ở góc độ hành nghề kiến trúc, tuy không tạo nên thay đổi đáng kể về khối lượng công việc thực hiện, nhưng kế hoạch có phần chậm hơn. Ngoài những văn phòng đang tiếp tục theo đuổi những dự án quy mô lớn cần nhiều nhân lực thì nhìn chung các văn phòng kiến trúc có xu hướng thu hẹp quy mô. Tuy nhiên, chính điều này lại tạo điều kiện cho các văn phòng kiến trúc đào sâu về chất lượng không gian và tìm kiếm ý nghĩa của kiến trúc khi thiết kế. Đây là cơ hội để các văn phòng có thời gian thực hiện chuyên sâu những nghiên cứu, định hình tư duy, tạo nền tảng cho nghề nghiệp. Có lẽ Covid-19 không ảnh hưởng nhiều đến giới kiến trúc sư, bởi chắc để tồn tại với nghề này thì họ đã trãi qua rất nhiều khó khăn và thử thách rồi. Tuy nhiên đại dịch covid 19 đã đem đến những thay đổi tích cực từ chủ đầu tư trong cách nhìn về cuộc sống và cách sống khi mong muốn cuộc sống nhẹ nhàng hơn và chậm rãi hơn. Điều này có thể thấy rõ qua những yêu cầu từ khách hàng của chúng tôi, họ chủ động đưa ra quan điểm về chất lượng cuộc sống của không gian thay vì chỉ quan tâm đến vật chất biểu hiện của kiến trúc mang lại.

Trường tiểu học Bó Mon

KTS Vũ Hoàng Kha: Covid – 19 đã tạo ra thách thức với nhiều ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, trong đó, với kiến trúc, không chỉ hành nghề, dịch bệnh ảnh hưởng đến các hoạt động hội nhóm, giao lưu, trao đổi, hơn cả là các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực hành nghề như nhiều cuộc thi, giải thưởng, hội thảo chuyên môn thường niên đã bị hoãn nhiều lần, số lượng các hoạt động này cũng bị giảm thiểu cả về số lượng và chất lượng. Học tập, làm việc online cũng ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng cảm xúc của KTS kế thừa. Nhưng từ thách thức đặt ra, có thể nói, đây là cơ hội để kiến trúc thúc đẩy sự chuyển đổi công nghệ số, ứng dụng Bim vào trong thiết kế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ phát triển, mở ra nhiều cơ hội công việc mới khi chuyển từ mô hình làm việc mới, đồng thời thay đổi nhận thức của xã hội về kiến trúc.

Đối với các doanh nghiệp, đứng ở vị trí từ người làm công tác quản lý, việc chuyển đổi sang làm việc online là cơ hội để nhìn lại hệ thống vận hành của mình; Xây dựng mô hình làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến, tạo thuận lợi trong việc mở rộng quy mô, kết nối với các doanh nghiệp khác; Ứng dụng công nghệ vào thiết kế. Tuy nhiên, việc quản lý, điều hành nhân sự từ xa còn nhiều hạn chế trong quá trình trao đổi, triển khai công việc. Nghề KTS là nghề đòi hỏi nhiều sự tương tác trực tiếp, để có thể thuận lợi truyền đạt suy nghĩ, ý tưởng, cảm nhận của mình về công trình.

KTS Nguyễn Văn Thiên: Dịch bệnh khiến cho hoạt động xây dựng chậm lại, lối sống của con người cũng thay đổi để thích ứng, kéo theo đó là sự chuyển biến ở nhiều khía cạnh và ngành nghề, trong đó, kiến trúc cũng thay đổi theo. Ở góc nhìn tích cực tôi cho rằng sự chậm lại sẽ giúp chúng ta có nhiều khoảng trống để suy nghiệm về bản chất và sự thật, các giá trị vô hình và chiều sâu hơn trong thiết kế. Tốc độ phát triển có thể sẽ chậm lại để có những hướng tiếp cận an toàn và chắc chắn hơn. Sự thay đổi lớn trong lối sống con người và xã hội, cũng là cơ hội cho chúng ta tìm kiếm những giải pháp sáng tạo mới để thích ứng với bối cảnh. Điều này cũng thể sẽ mở ra xu hướng kiến trúc mới trong thời gian sắp tới.

Xu hướng Kiến trúc 2021 – Hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội

KTS Vũ Hoàng Kha: Tại Việt Nam, nhờ kiểm soát dịch bệnh kịp thời và cơ chế quản lý nhà nước tốt, thiết kế cũng nằm ở giai đoạn đầu thực hiện các dự án, nên hành nghề kiến trúc Việt Nam có phần thiệt hại nhẹ nhàng hơn so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, 2021 sẽ là năm khó khăn đối với tất cả các ngành nghề sau giai đoạn trì trệ bởi dịch bệnh. Đồng thời, đây cũng sẽ là thời điểm ảnh hưởng bởi những tác động liên đới từ tình hình chung của thế giới thể hiện rõ rệt.

Xu hướng kiến trúc được tạo ra khi nó thỏa mãn các nhu cầu và giải quyết các vấn đề xã hội. Tồn tại lớn nhất của 2020 là Covid, nên 2021 dự đoán sẽ là thời điểm các hình thức kiến trúc sẽ có luồng dịch chuyển, từ tập trung sang phân tán; Nhiều công trình đa chức năng được hình thành, chuyển đổi sang các mô hình tự cung tự cấp; Các công trình công cộng cũng có sự thay đổi về chức năng, tạo ra các không gian mở nhưng vẫn đảm bảo giãn cách xã hội; Nhà ở sẽ trở nên linh hoạt, gần gũi với thiên nhiên và mang tính hướng nội hơn. Các công trình dịch vụ, xã hội sẽ phát triển sang dạng mỏng nhẹ, module.

Công trình Nhà Nhím Homestay